Tập trung là yếu tố quan trọng cốt yếu trong quá trình biến kế hoạch trở thành quá trình thực thi chiến lược Marketing nhằm đáp ứng cho chiến lược kinh doanh. Tập trung là tiền đề giúp doanh nghiệp hiểu “mình” và có những quyết định mang tính bền vững.

Ví dụ về sự tập trung trong hành trình vượt qua “sóng gió” kinh doanh

Thương hiệu thời trang xa xỉ Gucci được thành lập vào năm 1921 và trở nên nổi tiếng từ những năm 1960. Túi xách quai tre độc đáo của Gucci được liệt kê trong danh sách những món đồ không thể thiếu của chị em phụ nữ sành điệu lúc bấy giờ. Và Gucci dường như đã đảm bảo được thành công của mình. Vậy mà đến những năm 1990, Gucci bắt đầu hợp tác với nhiều nhà sản xuất và tung ra hơn 22.000 sản phẩm khác nhau bao gồm cả giấy vệ sinh. Gucci chọn hiện diện “trên mọi mặt trận” hơn là tập trung vào một chuyên môn duy nhất – làm đồ xa xỉ. Dần dà, ý nghĩa độc quyền và sang trọng ngày nào của Gucci phai nhạt.

Sau này, Gucci được vực dậy bởi ông Domenico De Sole – Giám đốc Điều hành giai đoạn 1984-2004 và Tom Ford – Giám đốc Sáng tạo giai đoạn 1994-2004. Hai nhân tài đã thẳng thừng cắt giảm các hoạt động kinh doanh không cần thiết và tập trung vào các mặt hàng xa xỉ cốt lõi, đồng thời làm theo nguyên tắc “Hàng Gucci chỉ đặt tại cửa hàng của Gucci”.

Bên cạnh Gucci, nhiều thương hiệu nổi tiếng khác như Apple, IBM, Starbucks và Levi Strauss cũng lâm vào cảnh tương tự vì thiếu tập trung trong chiến lược sản phẩm trong kinh doanh của mình. Trong môi trường có nhịp độ nhanh như ngày nay, duy trì sự tập trung ắt hẳn là điều khó khăn. Thế nhưng, nếu không tập trung vào thị trường cốt lõi thì doanh nghiệp rất có thể “sa chân lỡ bước”.

Làm sao để doanh nghiệp giữ vững sự tập trung?

Thứ nhất, hiểu rõ và giúp toàn thể nhân viên nhận thức đúng về giá trị cốt lõi, sứ mệnh và tầm nhìn của thương hiệu. Điều này cần được chia sẻ với tất cả mọi nhân viên trong tổ chức, từ các giám đốc cấp cao đến những người làm việc trực tiếp với khách hàng.

Thứ hai, đánh giá và định giá định kỳ hiệu suất và vị thế của thương hiệu trên thị trường bằng cách thu thập phản hồi từ khách hàng và theo dõi xu hướng thị trường và đối thủ.

Thứ ba, đặt ra bộ quy chuẩn thương hiệu thống nhất và rõ ràng, từ thiết kế sản phẩm, bao bì cho đến quảng cáo và social media. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp nhất quán được thông điệp, hình ảnh và trải nghiệm khách hàng ở mọi điểm tiếp chạm thương hiệu.

Cuối cùng, linh hoạt thích ứng nhưng vẫn bám sát sứ mệnh và giá trị cốt lõi. Hay nói cách khác, doanh nghiệp phải giữ vững bản sắc và ý nghĩa thương hiệu, song song với tinh thần sẵn lòng đón nhận biến động thị trường và thay đổi hành vi của khách hàng.

Ví dụ về “đòn bẩy” tập trung – Bí quyết thành công của nhiều thương hiệu

Nike là một thương hiệu thời trang sở hữu bản sắc rõ ràng với khẩu hiệu “Just Do It”. Nike chú trọng khía cạnh hiệu quả và tính đổi mới của các sản phẩm thể thao. Sự tập trung đó được thể hiện qua việc:

  • Liên tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới phục vụ nhu cầu của các vận động viên.
  • Hợp tác với các vận động viên hàng đầu để thiết kế và quảng bá sản phẩm. Ngoài ra, Nike đã thành công trong việc sử dụng mạng xã hội và influencer marketing để kết nối với khán giả và xây dựng lòng trung thành với thương hiệu.

Mặc dù phải đối mặt với những tranh cãi và thách thức qua nhiều năm, Nike vẫn kiên trì với những giá trị cốt lõi và tiếp tục phát triển như một thương hiệu thể thao hàng đầu.

Xem thêm: Trải nghiệm khách hàng – “Điểm vàng” giá trị đối với mỗi thương hiệu

CÔNG TY TRUYỀN THÔNG HOÀNG GIA